Tình hình dịch bệnh trên thế giới
Tổng số ca mắc trên thế giới hơn 560,3 triệu ca, trên 6,37 triệu ca tử vong.
Biến thể BA.5 đã trở thành biến thể chiếm ưu thế ở Mỹ trong vài tuần, gây ra những lo ngại về một làn sóng lây nhiễm lớn thứ hai của Mỹ. Sự xuất hiện của BA.5 cũng trùng với thời điểm mà phần lớn nước Mỹ đã nới lỏng hầu hết các biện pháp kiểm soát COVID-19 ở nơi công cộng và cuộc sống người dân phần lớn đã trở lại bình thường.
Ngày 6/7, Tổ chức Y Tế thế giới (WHO) đã nêu bật các thách thức có thể khiến làn sóng mới COVID-19 mạnh hơn. Trong đợt dịch mới, thế giới đứng trước 4 thách thức lớn, có thể khiến COVID-19 lây lan nhanh. Trước hết, đó là tỷ lệ xét nghiệm đã giảm tại nhiều quốc gia. Điều này khiến các nước không có cái nhìn hoàn chỉnh về sự phát triển của virus cũng như thực tế dịch bệnh trên toàn cầu, kéo theo giới chuyên gia không thể đưa ra các biện pháp điều trị đủ sớm để ngăn ngừa các ca bệnh diễn tiến nặng và tử vong. Trong khi đó, các phương pháp điều trị mới, đặc biệt là thuốc kháng virus tiềm năng chưa đến tay người dân tại các nước thu nhập thấp. Không chỉ vậy, khi virus phát triển, khả năng bảo vệ của vaccine sẽ suy yếu. Miễn dịch cơ thể suy giảm cho thấy tầm quan trọng của các mũi tăng cường vaccine, đặc biệt là với nhóm có nguy cơ cao nhất. Cuối cùng, các đợt bùng phát mới khiến số người mắc hội chứng COVID-19 kéo dài tăng lên, ảnh hưởng đến các bệnh nhân và gia đình, gây thêm gánh nặng cho hệ thống y tế và kinh tế, xã hội nói chung.
Tổng thống Iran Ebrahim Raisi ngày 9/7 cho biết hành khách chỉ được nhập cảnh Iran nếu trình kết quả xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 và tuân thủ đầy đủ các quy định y tế của nước sở tại. Quy định mới được đưa ra trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 gần đây gia tăng tại Iran. Phát biểu tại cuộc họp của lực lượng chống dịch quốc gia, Tổng thống Raisi kêu gọi tuân thủ nghiêm các quy định và chỉ dẫn y tế tại tất cả các cửa khẩu hàng không, trên biển, trên bộ. Ông cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiêm mũi vaccine tăng cường, đồng thời nhắc nhở người đang có bệnh nền cần đặc biệt cẩn trọng. Chuyên gia Iran cảnh báo hai biến thể phụ có khả năng lây lan nhanh của Omicron sẽ chiếm phần lớn trong số các ca nhiễm mới tại nước này trong những tuần tới.
Bộ trưởng Y tế Canada ngày 7/7 thông báo chính phủ nước này sẽ đầu tư 10 triệu CAD (khoảng 8 triệu USD) để thành lập một nền tảng xuyên quốc gia nhằm thúc đẩy hoạt động nghiên cứu những phương pháp mới điều trị hiệu quả bệnh COVID-19 cho bệnh nhân ngoại trú. Viện Nghiên cứu sức khỏe Canada cho biết Nền tảng thích ứng thử nghiệm lâm sàng các phương pháp điều trị COVID-19 trong cộng đồng (Can-ADAPT COVID) sẽ nghiên cứu những phương pháp điều trị COVID-19 cho các bệnh nhân ngoại trú như thuốc có hoạt chất kháng virus nirmatrelvir và ritonavir; cung cấp kiến thức chuyên sâu về liệu các phương pháp điều này có giúp bệnh nhân không phải nhập viện hoặc tình hình sức khỏe sau khi mắc COVID-19. Can-ADAPT COVID cũng sẽ cung cấp kịp thời bằng chứng cho các nhà nghiên cứu lâm sàng, các nhà quản lý hệ thống y tế và giới chức y tế công cộng ở Canada cũng như ở những nước khác, đồng thời giúp chia sẻ thông tin với các nhà nghiên cứu lâm sàng ở Anh và Liên minh châu Âu (EU) với kết quả nhanh hơn.
Tình hình tại Việt Nam:
Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 10.754.813 ca nhiễm, đứng thứ 12/227 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 112/227 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 108.526 ca nhiễm).
- Tính đến 16h00 ngày 10/7/2022, trong vòng 24 giờ qua, toàn quốc ghi nhận ghi nhận 465 ca dương tính trong nước tại 38 tỉnh thành phố: Hà Nội (102), Phú Thọ (29), Quảng Ninh (27), Hồ Chí Minh (26), Quảng Bình (23), Thanh Hóa (21), Bắc Ninh (20), Nghệ An (19), Tuyên Quang (18), Thừa Thiên Huế (17), Thái Nguyên (17), Lào Cai (13), Đà Nẵng (13), Thái Bình (12), Lạng Sơn (11), Yên Bái (10), Hà Nam (10), Bà Rịa - Vũng Tàu (8), Bắc Kạn (7), Nam Định (7), Sơn La (6), Lai Châu (6), Cao Bằng (6), Bắc Giang (6), Hưng Yên (5), Ninh Bình (5), Điện Biên (4), Hải Dương (3), Hòa Bình (3), Hải Phòng (2), Vĩnh Phúc (2), Quảng Trị (1), Quảng Nam (1), Tây Ninh (1), Bến Tre (1), Trà Vinh (1), An Giang (1), Hậu Giang (1).
Tình hình điều trị
(Số liệu do Sở Y tế các tỉnh, thành phố báo cáo hàng ngày trên Hệ thống quản lý COVID-19 của Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cdc. kcb. vn)
1. Số bệnh nhân khỏi bệnh:
- Bệnh nhân được công bố khỏi bệnh trong ngày: 8.477 ca
- Tổng số ca được điều trị khỏi: 9.764.864 ca
2. Số bệnh nhân đang thở ô xy là 17 ca, trong đó:
- Thở ô xy qua mặt nạ: 15 ca
- Thở ô xy dòng cao HFNC: 2 ca
- Thở máy không xâm lấn: 0 ca
- Thở máy xâm lấn: 0 ca
- ECMO: 0 ca
3. Số bệnh nhân tử vong:
- Từ 17h30 ngày 09/7 đến 17h30 ngày 10/7 ghi nhận 0 ca tử vong.
- Trung bình số tử vong ghi nhận trong 07 ngày qua: 0 ca.
- Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại Việt Nam tính đến nay là 43.089 ca, chiếm tỷ lệ 0,4% so với tổng số ca nhiễm.
- Tổng số ca tử vong xếp thứ 24/227 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 134/227 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 27/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 5 ASEAN).
Tình hình tiêm chủng
Trong ngày 09/7 có 371.697 liều vắc xin phòng COVID-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc xin đã được tiêm là 235.551.915 liều, trong đó:
+ Số liều tiêm cho người từ 18 tuổi trở lên là 207.700.327 liều: Mũi 1 là 71.504.066 liều; Mũi 2 là 68.899.367 liều; Mũi 3 (vắc xin Abdala) là 1.511.860 liều; Mũi bổ sung là 14.219.646 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 46.303.851 liều; Mũi nhắc lại lần 2 là 5.261.537 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 12-17 tuổi là 18.731.882 liều: Mũi 1 là 9.003.643 liều; Mũi 2 là 8.657.964 liều; Mũi nhắc lại lần 1 là 1.070.275 liều.
+ Số liều tiêm cho trẻ từ 5-11 tuổi là 9.119.706 liều: Mũi 1 là 6.404.137 liều; Mũi 2 là 2.715.569 liều.
Nhận định
Vắc xin vẫn là biện pháp quan trọng trong phòng, chống dịch; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh tiêm chủng, chủ động xây dựng và triển khai các kịch bản, phương án đáp ứng với mọi tình huống dịch bệnh; tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.
Để tiếp tục phát huy, tăng cường năng lực phòng, chống dịch COVID-19, các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục tổ chức triển khai hiệu quả Nghị quyết số 38/NQ-CP ngày 17/3/2022 của Chính phủ về ban hành Chương trình phòng, chống dịch COVID-19.
(Source: Bộ Y Tế - Cục Y Tế Dự Phòng)